APD

MÙI XÔN XAO – WORKSHOP TRÌNH DIỄN CỦA TRẦN LƯƠNG

Thời gian: 

14h00 – 17h00, ngày 7.7.2024

Địa điểm: 

Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD

Creative Square, Số 1, Lương Yên, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Khoảng thời gian Nghệ thuật trình diễn (NTTD) (Performance Art) xuất hiện ở Việt Nam đã bằng một thanh niên trưởng thành 28 tuổi, nhưng những hiểu biết về nó trong xã hội còn khá mơ hồ. Dù vậy, NTTD đã xác định được vị trí và trao cho nghệ sĩ một ngôn ngữ mới. Đó là môn nghệ thuật có thể áp dụng mềm dẻo, đa dạng hình thức, đa ngôn ngữ và dễ tiếp cận với các nhóm khác nhau trong xã hội. Mặt khác , NTTD không đòi hỏi nhiều điều kiện kỹ thuật, tổ chức và vật chất, giảm thiểu các quy ước từ không gian đến thời gian nên rất phù hợp với giao diện sống đương đại ngày nay.  

Vì thiếu đào tạo và lý thuyết, thiếu sự hỗ trợ từ cơ sở vật chất đến cơ chế quản lý, nên Performance Art ở Việt Nam phát triển tự phát và chỉ dựa vào sự hỗ trợ của các không gian nghệ thuật phi lợi nhuận. Cùng lúc, nhu cầu tiếp cận môn nghệ thuật này của giới trẻ lại đang mở rộng ra các tỉnh thành khác ngoài hai thành phố lớn. Vì thế, các nghệ sĩ đi trước có kinh nghiệm và các tổ chức nghệ thuật cần có đóng góp trong việc nghiên cứu và xây dựng lý thuyết, mở ra định hướng thực hành có tính phát triển, để NTTD đứng vững như một bộ môn nghệ thuật hàn lâm và tiến đến được đào tạo chính quy.

Với một chuỗi workshop đa dạng về hình thức, Ping Pong 2024 đặt mục tiêu cải thiện phương thức hướng dẫn và tư duy. Cùng với việc tăng tần suất hướng dẫn và thực hành là từng bước củng cố nền tảng lý thuyết, phù hợp với ngữ cảnh địa phương cũng như trong bối cảnh quốc tế đương thời. 

Workshop “Mùi Xôn Xao/Smell of Sound and Soul” đặt ra những câu hỏi có tính phản biện về những cố hữu trong nhận thức đối với NTTD. Nếu chúng ta không “xem” NTTD bằng mắt thì những giác quan còn lại có khả năng “xem” NTTD hay không? 

Và nếu nghệ sĩ sẽ trình diễn trước những khán giả không nhìn thấy được trình diễn của mình, thì nghệ sĩ phải “trình diễn” như thế nào để những khán giả đó vẫn có thể “xem” và cảm nhận được tác phẩm?

Workshop do nghệ sĩ Trần Lương hướng dẫn, nằm trong khuôn khổ Ping Pong – Chương trình trao đổi nghệ thuật trình diễn Việt Nam – Singapore, dành cho các nghệ sĩ thành viên dự án. Sự kiện mở cho khán giả đăng ký quan sát và thảo luận.

*

Sinh năm 1960 tại Hà Nội, Trần Lương là một nghệ sĩ thị giác, curator độc lập và là người tiên phong kiến tạo không gian cho nghệ thuật đương đại mang tính phản biện ở Việt Nam. Là một trong số các nghệ sĩ địa phương đầu tiên thử nghiệm với nghệ thuật trình diễn và video, tác phẩm của Trần Lương luôn dựa trên những trải nghiệm bản địa, phê bình sự đàn áp và tập trung vào sự bền bỉ của con người như một cách thức tiếp sức cho họ qua những hành động cá nhân và mang tính tự vấn.

Trần Lương là thành viên nhóm Gang of Five (1983–1996), người đồng sáng lập Nhà Sàn Studio – không gian nghệ thuật thử nghiệm đầu tiên ở Việt Nam do nghệ sĩ vận hành (1998), sáng lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Hà Nội (2000) và là giám đốc ở đây cho tới năm 2003. Anh cũng là người đồng sáng lập và giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD từ năm 2020.

Tích cực tạo cơ hội phát triển cho nghệ sĩ và luôn sẵn sàng hỗ trợ cố vấn, giúp đỡ lớp trẻ, Trần Lương vượt lên khỏi những ý niệm định khuôn về thực hành giám tuyển; khuyến khích nghệ sĩ nới rộng đường biên sáng tác; tạo ra những cơ hội trao đổi giữa ba miền Bắc, Trung, Nam và quốc tế. 

Trần Lương đã tham gia vào nhiều triển lãm đa dạng ở trong và ngoài nước. Các tác phẩm của anh nằm trong nhiều bộ sưu tập công cộng và tư nhân trên toàn cầu. Anh điều hành nhiều dự án phát triển cộng đồng ở các vùng miền khác nhau trong hơn 20 năm qua, đã và đang là thành viên hội đồng nghệ thuật của một số tổ chức văn hóa nghệ thuật quốc tế quan trọng. Anh đã nhận Giải thưởng Prince Claus của Hoàng gia Hà Lan (2014), Giải thưởng quỹ The Andy Warhol Foundation for the Visual Arts (1999). 

*

Ping Pong là chương trình trao đổi nghệ thuật trình diễn giữa Việt Nam và Singapore do nghệ sĩ/curator Jason Lim và Trần Lương đồng khởi xướng và giám tuyển, có sự tham gia của 09 nghệ sĩ từ Việt Nam và Singapore. Với tên gọi lấy ý tưởng từ chính sách “ngoại giao bóng bàn”, một sáng kiến đàm phán từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dự án tập trung vào nghệ thuật trình diễn (performance art), môn nghệ thuật đa giao diện, mềm dẻo và cởi mở trong phương thức đối thoại và đàm phán, nhằm mở rộng không gian tương tác, tạo điều kiện cho khám phá, chia sẻ, trao đổi và hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng, giữa các nền lịch sử, văn hóa và xã hội. 

Dự án khởi xướng bởi Jason Lim và Trần Lương, do Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD tổ chức.

Đơn vị tài trợ chính: Ngân hàng UOB Việt Nam

Đồng tài trợ bởi UpGen Vietnam, The Ascott Limited/CapitaLand Investment