CHIẾU PHIM “HOA NHÀI” & TRÒ CHUYỆN CÙNG ĐẠO DIỄN ĐẶNG NHẬT MINH
Thời gian:
14h30 | Thứ Bảy 7.10.2023
Địa điểm:
Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD
Creative Square, Số 1, Lương Yên, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Khi nhắc đến lịch sử của hình thức nghệ thuật thứ bảy ở Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến cái tên Đặng Nhật Minh, nhân vật có thành tựu dày dặn và ấn tượng bậc nhất trong các thế hệ đạo diễn sáng tác và làm việc ở trong nước cho đến nay.
Trưởng thành trong chiến tranh, sự nghiệp sáng tạo của ông luôn đối mặt với những khó khăn khác nhau qua các thời kỳ của đất nước, nhất là với một nhà làm phim truyện. Bằng tài năng của mình, Đặng Nhật Minh vẫn luôn tìm ra những cách tiếp cận lịch sử đương đại mang mầu sắc cá nhân và cái nhìn xuyên thấu sắc sảo.
Khởi đầu với phim tài liệu từ năm 1965, ông bắt đầu làm phim truyện năm 1978. Với những tác phẩm để lại dấu ấn tên tuổi của mình như “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Trở về”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”… Phim của ông đã mang lại xung động mỹ cảm trong lòng người yêu nghệ thuật điện ảnh và giới chuyên môn. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, cùng các giải thành tựu trọn đời.
“Hoa Nhài” được Đặng Nhật Minh “xác định đây là bộ phim cuối cùng của tôi trong Điện ảnh”*, ở đó tác giả tự nhận là “một thứ ngôn ngữ điện ảnh TỐI GIẢN không câu nệ vào những khuôn mẫu thường thấy khi kể chuyện phim”. Có một sự thức tỉnh nào đó, hay nói cách khác như một bước đốn ngộ mà ở phim cuối cùng này ông “giảm thiểu tối đa xung đột, kịch tính bề ngoài” để phim được “chân thực như giòng chẩy tự nhiên của cuộc sống”.
Trong bối cảnh thời đại khi mà các vấn đề nội địa và toàn cầu đang có nhiều đột biến tiêu cực, số phận của tầng lớp lao động luôn bất định, hóa lỏng và trôi dạt. Đây cũng là lúc mà vấn đề bản sắc và đạo đức liên tục bị đặt dấu hỏi, thì “Hoa Nhài” lại làm lộ sáng sự tồn tại bền bỉ của bản sắc người Hà Nội và lòng nhân ái.
Những vấn đề mà “Hoa Nhài” đặt ra có thực sự còn tồn tại không? Nếu còn thì nó có “huyền hoặc” như trong ký ức không? Và liệu chúng ta có nhận ra được xung đột hay kịch tính tiền ẩn mà Đặng Nhật Minh đã lược bỏ vẻ “bề ngoài” đi hay không?
Tác giả bỏ ngỏ nhường một phần sáng tạo cho mỗi khán giả, để họ tự hình dung những gì diễn ra sau đó với phiên bản của riêng mình.
*Các câu chữ trong ngoặc kép trích từ tự bạch của đạo diễn Đặng Nhật Minh
*
Về Mở kho tư liệu Xanh Đỏ & Vàng 2003
Chương trình Mở kho tư liệu “Xanh Đỏ & Vàng” được tổ chức đúng dịp tròn 20 năm sự kiện diễn ra (2003 – 2023), là cơ hội để giới chuyên môn, người thực hành sáng tạo cũng như công chúng quan tâm tiếp cận các thông tin, tư liệu quan trọng của dự án sau hai thập kỷ. Qua đó hiểu thêm về thực hành nghệ thuật đương đại ở Việt Nam ở một giai đoạn mở cửa đầy sôi động và biến chuyển trước những tác động và thay đổi lớn lao về môi trường kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng thời kỳ sau Đổi Mới.
Chương trình Mở kho tư liệu (Open Archive) thuộc khuôn khổ Dự án Thư viện nghệ thuật APD, được Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD khởi xướng và thực hiện từ năm 2022 với mong muốn thúc đẩy nghiên cứu và phát triển giáo dục nghệ thuật, với các tư liệu được tập hợp, phục hồi và lưu trữ, nhằm cung cấp rộng rãi thông tin về nghệ thuật đương đại Việt Nam một cách chuyên sâu và có hệ thống. Các hoạt động chính của chương trình bao gồm: Mở kho lưu trữ tư liệu trực tuyến và trực tiếp, các buổi tọa đàm/trò chuyện, workshop với các chủ đề liên quan đến các gói tư liệu của Thư viện nghệ thuật APD.