Trần Lương, một nghệ sĩ thị giác, curator độc lập, và một người tiên phong trong quá trình kiến tạo không gian cho nghệ thuật đương đại mang tính phản biện ở Việt Nam. Các tác phẩm của anh luôn gắn liền với kinh nghiệm địa phương, thách thức những chính sách hay khuynh hướng chính trị – xã hội kìm hãm tự do biểu đạt. Là một người cố vấn luôn sẵn sàng giúp đỡ lớp trẻ, Trần Lương vượt lên khỏi những ý niệm định khuôn về thực hành curating; khuyến khích nghệ sĩ nới rộng đường biên sáng tác; thương thảo với chính quyền; tạo ra những cơ hội trao đổi giữa ba miền Bắc, Trung, Nam…” (Dựa trên lời giới thiệu giải thưởng Quỹ Prince Claus 2014).
Trần Lương hiện là đồng sáng lập APD. Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nhà Chống Lũ/ Sống Foundation. Thành viên hội đồng nghệ thuật của ACC/Hội đồng Nghệ thuật Châu Á – New York (từ 2019). Thành viên ban cố vấn dự án Mekong Cultural Hub – British Council (từ 2017). Anh cũng từng tham gia nhiều hội đồng nghệ thuật danh tiếng quốc tế như: Quỹ trao đổi và phát triển văn hoá Đan Mạch CDEF (2007 – 2011), quỹ Mạng lưới Nghệ thuật châu Á ANA (2003 – 2009), thành viên ban giám khảo quốc tế liên hoan phim Oberhausen – Đức (2013)… Anh là người sáng lập và điều hành Trung tâm Mỹ thuật Đương đại Hà Nội từ 1999 đến 2003. Các giải thưởng nghệ thuật uy tín thế giới: Giải thưởng Prince Claus của Hoàng gia Hà Lan (2014), Giải thưởng quỹ The Andy Warhol Foundation for the Visual Arts (1999).
Đỗ Hoài Nam là một trong những lãnh đạo trẻ tầm thế giới trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ. Ông là đồng sáng lập và Chủ tịch điều hành của UP, một trong những doanh nghiệp cung cấp không gian làm việc chung lớn nhất Đông Nam Á. Ông từng khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực công nghệ cao tại thung lũng Silicon (Mỹ) với công ty Emotiv Systems do ông đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành từ năm 2003, hiện dẫn đầu thế giới với công nghệ BCI (Brain – Computer Interface). Ông được mời giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng thế giới như Harvard, Stanford, USC, UC Berkeley… Từ năm 2012, ông là Chủ tịch Trung tâm Phát triển, Đổi mới và Công nghệ Becamex, tích cực hỗ trợ và đầu tư cho các công ty khởi nghiệp trẻ tiềm năng ở Việt Nam. Đỗ Hoài Nam cũng là nhà sưu tập nghệ thuật, ông luôn hào phóng ủng hộ những hoạt động nghệ thuật có xu hướng phát triển, những ý tưởng sáng tạo có thể nâng tầm và tương thích với xu hướng thiết kế hiện đại, tiến bộ công nghệ, và khích lệ thị trường nghệ thuật. Ông quan niệm nghệ thuật là khu vực sáng tạo đột biến và muôn một nhất, và luôn tâm niệm về trách nhiệm của bản thân trong việc hỗ trợ nghệ thuật phát triển.
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành là chuyên gia về kinh tế vĩ mô và mô hình hoá. Ông là người đồng sáng lập và giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) từ tháng 9/2020. Trước đó, ông là Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (2008 – 2020). Ông từng là thành viên Nhóm tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế học, tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận và hoạch định chính sách kinh tế Việt Nam, là chuyên gia tư vấn cho một số chương trình nghiên cứu, hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và kênh truyền thông ở Việt Nam. Ngoài các hoạt động chuyên môn, Nguyễn Đức Thành có mối quan tâm đặc biệt đối với nghệ thuật hiện đại và đương đại. Ông là nhà sưu tập nghệ thuật, thường xuyên ủng hộ các nghệ sĩ và đóng góp vào các sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển nghệ thuật. TS.Thành đã dành nhiều nỗ lực thúc đẩy giáo dục nghệ thuật và mỹ học cho giới trẻ tại Việt Nam.
Ngụy Hải An (sinh năm 1991) tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành Chính trị Quốc tế tại Học viện Ngoại giao. Cô bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật từ năm 2018 với các vai trò: giám tuyển giáo dục, truyền thông, điều phối sự kiện. Hải An hiện làm việc tại Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD. Bên cạnh đó, cô tích cực tham gia hỗ trợ nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng như: cộng tác nghiên cứu và viết bài cho trang nghệ thuật Hanoi Grapevine, quản lý truyền thông và điều phối sự kiện cho Dự án âm nhạc cổ điển “Schubert in a Mug”, là chủ tịch Mạng lưới khán giả tích cực PAN (Proactive Audience Network). Cô từng làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) từ năm 2018 – 2020 và trực tiếp tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật đáng chú ý như: Trình diễn thị giác âm thanh “Our light” (2019), Trình diễn âm nhạc “Into the Noise” (2019), Chuỗi workshop cho trẻ em “Chu du trong thế giới nghệ thuật” (2020, cùng nhiều chương trình khác.
Flinh (Nguyễn Phương Linh) sinh năm 1995, là một nghệ sĩ thị giác sống và làm việc ở Hà Nội. Cô theo học khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và bắt đầu thực hành nghệ thuật đương đại vào năm 2016. Flinh đã từng tham gia nhiều triển lãm và liên hoan trình diễn trong nước và quốc tế, nổi bật là: Liên hoan nghệ thuật trình diễn quốc tế IN:ACT 2016 và 2017 (Hà Nội), Liên hoan nghệ thuật trình diễn quốc tế NIPAF International 2018 (Nhật Bản), Asia Live Performance 2018 (Ba Lan), Nhà Sàn 20+ (Hà Nội, 2018), triển lãm “Polyphony: Southeast Asia” (Trung Quốc, 2019), Heritage Space MAP – Dự án Xanh (Hà Nội, 2020)…Từ năm 2018, Flinh bắt đầu làm trợ lý nghệ sĩ/curator Trần Lương, tham gia tổ chức các sự kiện nghệ thuật trình diễn Asian Live! Performance, IN:ACT 2019 (Hà Nội), Wuwei Performance Series 2020 (Singapore)…
Lê Tú Anh tốt nghiệp khoa Hội họa, Trường Đại học Nữ sinh Ewha Hàn Quốc (2019). Hiện nay, cô sống và làm việc tại Hà Nội. Tú Anh từng tham gia một số triển lãm nhóm tại Hàn Quốc và Việt Nam. Được truyền cảm hứng từ những câu chuyện của cá nhân và tập thể, các thực hành của cô vừa mang chất liệu hiện thực nhưng cũng pha trộn yếu tố không tưởng nhằm tìm các cách diễn giải cho quá khứ … hiện tại … Bên cạnh hoạt động sáng tác, Tú Anh tích cực tham gia các dự án nghệ thuật với nhiều vai trò khác nhau.
Trịnh Ngân Hạnh tốt nghiệp khoa Nghệ thuật thị giác tại Đại học Rennes 2, Pháp (2020). Ngân Hạnh hiện đang làm việc tại Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD. Bên cạnh đó, Ngân Hạnh thực hành nghệ thuật thị giác và giám tuyển, quan tâm đến vai trò của nghệ thuật trong phát triển xã hội. Cô từng tham gia dự án Xanh, Đỏ & Vàng tái xuất (2024); là giám tuyển của triển lãm “Chèo Méo” tại Nhà triển lãm Hàng Bài (6/2024), Cung thiếu nhi thuộc khuôn khổ Lễ hội Thiết Kế Sáng tạo (11/2024) và “Nhiều hơn một ánh nhìn” (2023) nhằm nâng cao nhận thức về tự kỷ. Cô cũng là giáo viên hướng dẫn thực hành nghệ thuật cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Doanh nghiệp Xã hội Tòhe. Từ năm 2021 đến 2023, Ngân Hạnh là giám đốc nghệ thuật tại TÁCH SPACES và curator tại Ngã Art Space (thuộc TÁCH SPACE, Hà Nội). Một số dự án khác mà cô tham gia với vai trò hỗ trợ tổ chức, truyền thông và thiết kế: “Schubert in a mug”, “A wo|man”, “Như trăng trong đêm”.