APD

HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT

DỰ ÁN NGHIÊN CỨU & PHÁT TRIỂN HỘI HỌA ĐƯƠNG ĐẠI 

Dự án Nghiên cứu & Phát triển Hội họa đương đại do APD khởi xướng và thực hiện, tập trung vào hoạt động phân tích, đánh giá, đối thoại chuyên sâu nhằm đưa ra những nhận định, góc nhìn khoa học và khách quan về hội họa đương đại ở Việt Nam, từ đó dự đoán xu hướng vận động và cung cấp/gợi mở những đường hướng phát triển phù hợp cho thực hành của các nghệ sĩ.

Về “CONG ĂN CONG THẲNG ĂN THẲNG”

Năm 1925, hội hoạ giá vẽ đến Việt Nam trong lúc thế giới đang có những biến động sâu rộng mọi mặt. Đó cũng là lúc mà nghệ thuật hiện đại phát triển được hơn 50 năm, đã thiết lập vị trí và ảnh hưởng thẩm mỹ toàn diện ở châu Âu. Sự du nhập muộn mằn của nghệ thuật hiện đại vào Việt Nam, bắt đầu bằng việc L’École des Beaux-Arts de Hanoi khai trương, mở đầu cho các thực hành mới mẻ, kể cả với chất liệu truyền thống như sơn ta. 

Thực hành đa dạng thức của Nghệ thuật Hiện Đại phương tây từ nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 đã tạo nên nhiều trường phái và hình thức hội hoạ. Hiện trạng đó đặt các hoạ sĩ giá vẽ non trẻ ở Việt Nam trước thách thức phải chọn lựa. Tiếp cận hình thức thì dễ, nhưng tiếp cận tư tưởng thì cần thời gian, tri thức và tư duy của cả chủ quan lẫn khách quan. Vì thế mà mỹ thuật Việt Nam không tránh khỏi các trạng thái như sốc văn hóa, phòng thủ hẹp hòi, hoặc ngược lại: vọng ngoại, bỏ gốc lấy ngọn… 

Vẻ ngoài sự phát triển của hội hoạ có vẻ đa tuyến tính, nhưng do không được phát triển tuần tự có bài bản, theo cả hoàn cảnh phát triển xã hội và tâm lý nên những thành quả sáng tạo thiếu chiều sâu, chú ý nhiều đến nội dung và chóng bế tắc.

Ngay sau đó, dưới sự độc tôn của nghệ thuật minh hoạ và tuyên truyền trong hơn 4 thập niên Chiến tranh Lạnh, giai đoạn mà những sáng tạo phóng túng không có đất sống. Cùng với hội chứng “tự kiểm duyệt” kinh niên, là những lý do làm nghệ thuật hiện đại Việt Nam còi cọc.

Hệ thống giáo dục nghệ thuật hàn lâm thì tụt hậu, với những giáo trình đóng băng từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Thiếu cập nhật phương pháp, lý thuyết và mỹ học trầm trọng. 

Chỉ cần so sánh trong khu vực Đông Á, Nghệ thuật hiện đại Việt Nam chưa thể làm nền tảng cơ bản và đủ chắc chắn để hội hoạ có thể bật nhảy sang kỷ nguyên của hội họa đương đại. 

Có thể nói hội hoạ Việt Nam khởi đầu từ lưng chừng của lịch sử phát triển nghệ thuật chung, và đã vội vàng kẹt lại ở một con đường mòn.

Thực hành hội hoạ Hiện đại còn nửa vời, chưa đủ căng, rộng và thấu đáo, hay nói cách khác, hội hoạ ở ta vẫn còn đang dậy thì. 

Nhận xét trên không có nghĩa là phủ nhận thành quả của các tác giả trường Đông Dương và giai đoạn “mở cửa”. Vai trò và trình độ của họ đã được nhìn nhận khách quan và khá rõ ràng trong tổng quan mỹ thuật khu vực và thế giới. 

Dù có một số tác giả xây được phần nền móng, nhưng cũng chưa đủ bao quát để dựng nên một nền mỹ thuật đĩnh đạc. Hiện tượng tranh của thế hệ Đông Dương tăng giá trong các cuộc đấu giá quốc tế gần đây không hẳn là thước đo cho chất lượng một nền mỹ thuật, vì sự thành công nào đó về giá chỉ là so với chính ta trước đó. Và thị trường luôn phản ứng khá muộn, lẽo đẽo khá xa phía sau của phát triển nghệ thuật. 

Tuy nhiên, dù những điều kiện sáng tạo khó khăn đến thế nào thì quy luật của phát triển vẫn cho ta những hy vọng! 

Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ở đâu đó đã có những sự cựa quậy, những thực hành âm thầm và bất chấp, có lúc bước cao bước thấp, lúc hừng hực rồi lại đột quỵ…  

Rồi ở buổi mờ sáng đó, đã xuất hiện những tác giả vẽ như ăn, như thở mà không phải “ngó trước, ngó sau”. Là những tác giả đã ném đi nỗi lo toan về việc có được trưng bày hay không, có bán được hay không. Những tác giả không bắt hội hoạ gánh những nghĩa vụ cứu nhà, khơi nguồn nước, hay giương cao ngọn cờ khuynh hướng.  

Bỏ được hết những tính toán và cân nhắc, thì sự vẽ đã đứng được “thẳng lưng” với không gian và thời gian. 

Và sự “tử ư nghệ” đã không phụ lòng họ! 

Statement

Bộ sưu tập tranh này là những mảnh sao lẻ loi và thấy trước chúng không thể gánh một sứ mệnh thiên hà. 

Mỗi nghệ sĩ thực hành và trôi nổi trên mỗi địa tầng của họ. 

Chỉ là cùng ở một múi giờ, một lạch nước, và một bầu không khí nồng khét.

Nhưng cũng thật khó thấy một dấu vết tương đồng nào trong cả tâm sinh lý và tín hiệu thị giác. 

Ngửa mặt tự hỏi: Liệu chúng có thể cố kết thành một chòm sao để tạo nên một vệt khói với làn hương thoảng mỏng sắc được hay không? 

Hội hoạ là khu vực có thâm niên lịch sử và chật chội. 

Hoạ sĩ dấn thân dù có phi thân, vẹt tóc nhưng lòng vẫn thăm thẳm hồ nghi. 

Khi ngồi vẽ lại chỉ sử dụng mắt và tay, nên cái tai bị thừa hay hóng hớt đâu đâu, 

còn cái mồm thì mấp máy – ngứa ngáy – ử ử. 

Bảo sao cái ông Vinh-Cen-Văn-Gốc tự xoẹt cái tai đi cho đỡ hóng.

Và chợt nhận ra: Câu hỏi ở trên hiện ra trong đầu là có duyên cớ. 

Sự tương đồng giữa các tác giả – nếu có – không phải cứ mở mắt trừng trừng mà thấy được. 

Mà dường như có cái sự vẽ bằng tai/ tức là có sự tham gia của thính giác/có âm thanh/có nhạc điệu. 

Có cả sự động chạm của da thịt / của mùi nồng từ các chất nhờn và các vũng nước tù đọng. 

Rồi cả tiếng lẩm bẩm, hoan hỷ. 

Và cả kêu rên, oà khóc từ các mảnh sao lẻ loi này.  

Lại là một triển lãm tranh, nhưng lần này – ở đây – là một toan tính đầy mưu mô nghề nghiệp, lấp lánh hy vọng và cũng phập phồng lo lắng.  

CONG ĂN CONG, THẲNG ĂN THẲNG.

 

Trần Lương

Tháng 6/2022

Ảnh triển lãm

SỰ KIỆN LIÊN QUAN